Thực trạng áp dụng quy định tự công bố thực phẩm

0
320

Điều 4, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2.2.2018 của Chính phủ quy định một số điều Luật An toàn thực phẩm đã cho phép, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự công bố thực phẩm.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm…

Quy định này đã góp phần tháo gỡ vướng mắc cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm; đồng thời giảm áp lực cho cơ quan quản lý ở địa phương khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Tuy vậy, sau 5 năm áp dụng thì có một thực trạng là không hiếm doanh nghiệp chưa có ý thức trong việc thực hiện quy định này, thậm chí dù biết sản phẩm chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường nhưng vẫn tự công bố để sản phẩm được lưu hành.

Thực trạng áp dụng quy định tự công bố thực phẩm
Bản tự công bố mẫu hiện nay (Ảnh: C.A.O Media)

Đơn cử, sau 5 năm thực hiện Nghị định, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã nhận hơn 180.000 hồ sơ doanh nghiệp tự công bố và đã thực hiện hậu kiểm hơn 80% hồ sơ trên giấy tờ. Kết quả chỉ 45% hồ sơ đáp ứng yêu cầu, 55% hồ sơ không đạt do doanh nghiệp kê khai chưa đủ, chưa đúng quy định. Điều này, có nghĩa là chưa được ½ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tự công bố chuẩn.

Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc thiếu cơ chế lựa chọn giữa tự công bố (doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm) và đăng ký bản công bố (cơ quan Nhà nước xác nhận) là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của Nghị định này. Bởi, đối với doanh nghiệp mới thành lập, có được sự lựa chọn của khách hàng sẽ khó hơn so với các sản phẩm có cơ quan Nhà nước chứng nhận.

Hơn nữa, thông tin của việc tự công bố sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, đồng nghĩa với việc không ban hành Bản tự công bố chất lượng sản phẩm có dấu xác nhận của cơ quan chức năng. Điều này sẽ có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch thương mại, giảm tính cạnh tranh. Trong khi đó, tâm lý chung của người tiêu dùng là muốn bên cạnh sự “tự khai của doanh nghiệp” là sự “chứng nhận của cơ quan nhà nước”. Có được như vậy, thì bản thân doanh nghiệp cũng sẽ có được sự hậu thuẫn của cơ quan chức năng và chính cơ quan quản lý cũng tiện thực hiện việc hậu kiểm. Và người có lợi nhất trong quy trình này chính là người tiêu dùng.

Từ đó cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018 trong thời gian tới cần theo hướng cho phép các tổ chức, cá nhân có sản phẩm thuộc đối tượng được phép tự công bố sản phẩm có thể linh hoạt lựa chọn giữa tự công bố sản phẩm và đăng ký bản công bố; đồng thời bổ sung quy định chi tiết về các thông tin cần đăng tải và công bố như các thành phần, phụ gia phụ phẩm, các kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm… để cơ quan quản lý dễ dàng xác minh cũng như sớm phát hiện các sản phẩm lỗi trước khi lưu thông trên thị trường.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

SHARE

LEAVE A REPLY