Theo đó, căn cứ vào kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan của Viện Pasteur, Sở Y tế kết luận căn nguyên gây ngộ độc hàng loạt tại Cơ sở bánh mỳ Phượng Hội An là do vi khuẩn Salmonella có trong các loại thực phẩm đã chế biến tại đây.
Ngành y tế cũng xác định bữa ăn nguyên nhân gây ngộ độc là các bữa ngày 11/9 và ngày 12/9 với thức ăn nguyên nhân được xác định là: Thịt heo xíu (mẫu cơ sở lưu ngày 11/9); rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo và thịt heo xíu (mẫu cơ sở lưu ngày 12/9).
Cụ thể, ở mẫu thịt heo xíu (mẫu cơ sở lưu ngày 11/9) phát hiện dương tính với vi khuẩn Salmonella. Tương tự, các mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo (mẫu cơ sở lưu ngày 12/9/2023) cũng phát hiện dương tính với vi khuẩn Salmonella spp.
Bên cạnh đó, ở mẫu thịt xíu được lấy ngày 12/9 tại cơ sở này cũng phát hiện dương tính với vi khuẩn Salmonella spp. Đồng thời, mẫu phân của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm (lấy mẫu ngày 14/9) cũng phát hiện Salmonella group D.
Đồng thời, qua kết quả kiểm nghiệm mẫu phát hiện, ở mẫu chả heo (mẫu cơ sở lưu ngày 11/9) có chỉ tiêu E.coli 5,1×102 CFU/g không phù hợp so với yêu cầu của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng lấy các mẫu thực phẩm được chế biến ngày 12/9 như thịt heo xíu, xíu mại đều phát hiện dương tính với vi khuẩn Salmonella. Được biết, các mẫu này chế biến để bán ngày 13/9. Tuy nhiên, ngày 13/9 cơ sở đã tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Thống kê từ ngành y tế, đã có 313 người bị ngộ độc sau khi ăn banh mỳ Phượng Hội An, trong đó có 103 người nước ngoài. Số người vào viện là 273 người, số người điều trị tại nhà và khai báo qua điện thoại là 40 người. Hiện tất cả các bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở y tế đã xuất viện.
Ông Mai Văn Mười cho biết, căn cứ kết luận vụ ngộ độc thực phẩm, ngành y tế sẽ sẽ tiến hành làm việc với hộ kinh doanh bánh mỳ Phượng 2 và kiến nghị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, nhiễm khuẩn Salmonella có thể do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt như động vật bị bệnh và vi khuẩn Salmonela có ở trong máu, thịt và đặc biệt ở trong các phủ tạng như gan, lá lách, ruột. Trong gia cầm bị bệnh, Salmonela có thể tồn tại ở buồng trứng nên ngay sau khi gia cầm đẻ trứng đã nhiễm Salmonela. Một số loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonela có thể xâm nhập qua vỏ trứng vào bên trong.
Ngoài ra, thịt có thể bị nhiễm Salmonela do dụng cụ chứa đựng, do nguồn nước bị ô nhiễm, do ruồi, chuột… Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển. Các thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonela.
Nguồn: Báo Quảng Nam
Dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm tại CAO Media:
- Kiểm nghiệm và công bố chất lượng heo quay chay với thủ tục đơn giản
- Các bước kiểm nghiệm và tự công bố bánh mousse theo quy định
- Các bước kiểm nghiệm và tự công bố rượu chuối hột mới nhất
- Kiểm nghiệm và tự công bố chất lượng sản phẩm trà các loại
- Kiểm nghiệm và công bố chất lượng rượu dừa tại TPHCM