10 điểm mới cần lưu ý của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi

0
333

10 điểm mới cần lưu ý của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi

Theo luật sư Lê Quang Vinh, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có nhiều quy định mới lần đầu tiên được bổ sung tạo điều kiện thuận lợi cho cho 4 nhóm đối tượng sáng tạo.

Ông Vinh hiện là luật sư tại Bross & Partners – một công ty sở hữu trí tuệ đánh giá, một trong những thay đổi quan trọng nhất của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã được Quốc hội thông qua, thể hiện rõ ở quyền đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và kiểu dáng công nghiệp. Đây được gọi chung nhóm 4 đối tượng sáng tạo mang tính kỹ thuật. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Ông Vinh phân tích, Luật lần đầu bổ sung quy định quyền đăng ký giao cho tổ chức khoa học công nghệ chủ trì, trong đó quy định rõ về cơ chế báo cáo, quy trách nhiệm tổ chức nghiên cứu khoa học khai thác sáng chế cùng cơ chế phân chia lợi ích với các chủ thể liên quan.

Thứ hai, xây dựng cơ chế mới cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Đây là một điểm mới dẫn tới sự tồn tại song song giữa 2 cơ chế: Ý kiến phản đổi của người thứ 3 với đơn ký kiểu dáng công nghiệp và một kênh phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Quy định mới có sự khác biệt ở thời hạn cho phép phản đối theo khung 9 tháng, 4 tháng, 5 tháng và 3 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tương ứng được công bố.

Thứ ba, Luật bổ sung nhiều căn cứ pháp lý mới để phản đối đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng như căn cứ hủy bỏ hiệu lực bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo luật sư Vinh, đây là quy định quan trọng theo luật quốc tế giúp cân bằng quá trình hình thành quyền, độc quyền và bảo vệ cho người đăng ký quyền tại Việt Nam.

Thứ tư, lần đầu tiên đưa sáng chế mật thành một chế định riêng, nhằm tách riêng giữa sáng chế và sáng chế mật để kiểm soát an ninh. Điều này giúp phân định các đối tượng không phải là sáng chế mật để đưa ra nước ngoài dễ dàng hơn.

Thứ năm, lần đầu tiên có định nghĩa về tác giả và đồng tác giả, và quy định không công nhận tư cách tác giả, đồng tác giả với những người hỗ trợ, góp ý hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm. Luật cũng quy định rõ về tư cách hưởng quyền nhân thân đầy đủ (trừ quyền công bố) đối với tác phẩm điện ảnh chỉ được trao cho biên kịch và đạo diễn. Còn tổ chức đầu tư tài chính có thể thỏa thuận với biên kịch, đạo diễn về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm.

diem-moi-cua-luat-so-huu-tri-tue-sua-doi

Điều thứ 6 định nghĩa lại tác phẩm phái sinh, trong đó quy định mới theo hướng mở hơn. Trong khi điểm thứ 7 lần đầu tiên xuất hiện khái niệm “tiền bản quyền”, chỉ áp dụng cho quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.

Thứ 8, lần đầu tiên mở rộng quy định ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả cho người khuyết tật và mở rộng không ranh giới với không xâm phạm quyền tác giả. Ông Vinh dẫn ví dụ sao chép hợp lý để nghiên cứu khoa học và không có mục đích thương mại, sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong ấn phẩm, sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ.

Thứ 9, sửa đổi định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng, bổ sung quy định thời điểm nhãn hiệu có trước bắt đầu nổi tiếng phải xảy ra trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký để tránh cấp bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng quá rộng.

Thứ 10, lần đầu quy định về cơ chế quy trách nhiệm/miễn trách nhiệm pháp lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet. Theo đó cơ chế miễn trách nhiệm quy định điều 198b mang tính chất có điều kiện, ví như dịch vụ lưu trữ nội dung thông tin số (hosting) chỉ được miễn trách nhiệm pháp lý nếu không biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả và có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập đến nội dung thông tin số đó khi biết nội dung đó xâm phạm quyền.

Ông Vinh đánh giá cao những điểm mới trong luật Sở hữu trí tuệ 2022 vì thể hiện tính minh bạch, đầy đủ, rõ ràng sát với thực tiễn, trong đó có các chế định liên quan vấn đề đăng ký nhóm sáng tạo kỹ thuật, cơ quan chủ trì hoạt động nghiên cứu. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt. Ông dẫn chứng với Trung Quốc, năm 2008 có 147 đơn/1 triệu dân, nhưng sau 10 năm thực hiện chiến lược quốc gia tăng lên 1.001 đơn. Hiện Trung Quốc có 1,5 triệu đơn sáng chế, chiếm 56% tổng lượng đơn đăng ký toàn cầu.

Ông cũng nhấn mạnh luật mới sẽ đóng góp lớn vào việc giải quyết được cân bằng và lợi ích giữa các chủ thể quyền, đối thủ cạnh tranh như cơ chế hết quyền với quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao, nghĩa vụ chứng minh thời điểm nổi tiếng của nhãn hiệu và đặc biệt quy định mới giải quyết bài toán phức tạp giữa luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh, hay ngăn chặn hành vi lạm dụng…

Hồi tháng 6/2022, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, năm 2023 Bộ tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ.

Năm qua, Bộ tiếp nhận 119.605 đơn sở hữu công nghiệp (SHCN), trong đó: 78.480 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 4% so với năm 2021); xử lý được 116.847 đơn các loại, trong đó có 70.431 đơn đăng ký xác lập quyền (giảm 6% so với năm 2021); cấp 43.970 văn bằng bảo hộ SHCN (tăng 12,6% so năm 2021).

Hướng mục tiêu năm 2025, số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm; đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng tối thiểu 12% – 14%/năm; đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng tối thiểu 10% -12%/năm, 8% – 10% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 6% – 8% số sáng chế được cấp bằng bảo hộ.

Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại C.A.O Media:

SHARE

LEAVE A REPLY