Việt Nam xử phạt người hút thuốc lá điện tử thế nào
Bộ Y tế dự kiến bổ sung hành vi “chứa chấp”, “sử dụng” thuốc lá điện tử, nung nóng và thẩm quyền xử phạt hành vi này, áp dụng từ 2025.
“Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực Asean và là 1 trong 43 nước trên thế giới cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết tại Hội thảo cung cấp thông tin kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngày 25/12.
Như vậy, từ đầu 2025, thuốc lá điện tử, nung nóng được đưa vào danh sách hàng cấm. Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.
Bà Thủy cho biết Bộ Y tế đang dự thảo các văn bản liên quan, sau đó trình các cấp có thẩm quyền để sớm triển khai. Trong đó, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, do nghị định này chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng, nên Bộ sẽ bổ sung thêm.
Trong khi đó, việc xử phạt tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được căn cứ Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Hay nghị định 98/2020 cũng có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có mặt hàng thuốc lá. Với người sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Còn ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng mức phạt với các hành vi vi phạm cần đủ cao, có tính răn đe. Cần tập trung nhiều cho việc ngăn chặn buôn bán và quảng cáo trên mạng. Ngoài ra, cần có chiến dịch ra quân và duy trì mạnh mẽ, giống như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cấm uống rượu lái xe, kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức.
Kinh nghiệm của Singapore như sử dụng hoặc sở hữu, mang theo thuốc lá mới sẽ bị phạt tiền cùng án tù 6-12 tháng; tổ chức các chiến dịch truyền thông về qui định cấm và địa chỉ cai thuốc; học sinh, sinh viên vi phạm bị phạt tiền và phải tham gia các lớp cai thuốc; sử dụng thiết bị quét để phát hiện thuốc lá mới.
Singapore cũng cấm hoàn toàn việc nhập khẩu, sở hữu, bán, phân phối và sử dụng các dạng sản phẩm mô phỏng/bắt chước thuốc lá như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đưa quảng cáo ở nước ngoài vào Singapore bị phạt 10.000 SGD (khoảng 187 triệu đồng) hoặc phạt tù 6-12 tháng, hoặc cả hai.
Còn ở Hong Kong, bất kỳ người nào bị kết tội nhập khẩu, sản xuất, bán hoặc phân phối các sản phẩm bị cấm này đều phải chịu mức phạt tối đa là 50.000 USD và bị phạt tù tối đa là 6 tháng.
Tác Giả: Lê Nga