0
50

Thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng để lừa người tiêu dùng

Thứ Tư, 20/11/2024, 08:26
 

Thực phẩm chức năng giả, hoặc hàng xách tay, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường, được quảng cáo trên mạng xã hội như “thần dược”, sai sự thật khiến người tiêu dùng bị đánh lừa. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều đối tượng còn sản xuất thực phẩm chức năng giả, đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhanh chóng của khách hàng nên đã cho chất cấm vào thực phẩm chức năng.

Chất cấm vẫn trà trộn vào thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng hỗ trợ chiều cao đang được rao bán trên mạng xã hội như thần dược, với quảng cáo có thể tăng chiều cao vượt trội. Để bán được hàng, người bán còn tung những đoạn video phỏng vấn phụ huynh đã cho con sử dụng sản phẩm và chiều cao tăng như “Thánh Gióng”. Có bà mẹ quảng cáo con họ uống thực phẩm chức năng tăng chiều cao 1 năm lên được 22cm, thậm chí 6 tháng tăng 15cm chiều cao. Có người còn quảng cáo “thần dược” tăng chiều cao dùng được cho người đã 23 tuổi, có thể cao thêm 3cm trong vòng 1 tháng. 

Thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng để lừa người tiêu dùng -0Thực phẩm chức năng giả bị Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ.

Bên cạnh đó, nhiều quảng cáo thuốc tăng chiều cao còn đánh vào tâm lý mong muốn con cao lớn của các bà mẹ, họ thổi phồng là “hormone tăng chiều cao” khiến nhiều phụ huynh rất thích mua về cho con sử dụng. Theo TS Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bản chất của thực phẩm này là bổ sung các vi khoáng hoặc axít amin để hỗ trợ cơ thể tăng tiết chiều cao, chứ đó không phải là hormone. Hiện nay, chưa có bằng chứng về y khoa hiệu quả của thực phẩm chức năng làm tăng chiều cao.

Quảng cáo giảm cân nhanh, giúp đào thải mỡ thừa cấp tốc mà không cần phải tập luyện, nhịn ăn kham khổ, nhiều chị em đã mua thực phẩm chức năng Tigi Max Plus về để “lấy lại vóc dáng”. Theo chị Phạm Thị Trà (47 tuổi, Hà Nội), cách đây 1 tháng, thấy quảng cáo viên uống giảm cân Tigi Max Plus từ thảo dược thiên giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, nhuận tràng, giảm cholesterol và mỡ trong máu, giúp giảm cân nhanh và an toàn, không gây tác dụng phụ, chị đã mua 1 hộp có giá 750.000 đồng về sử dụng. Dùng được 2 ngày chị thấy báo chí đưa tin phát hiện có 2 loại thuốc cấm trong một lô sản phẩm Tigi Max Plus, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không mua và không sử dụng, chị Trà hoảng hốt vứt bỏ và lo lắng cho biết: “May tôi mới sử dụng, nếu dùng lâu thì nguy hiểm đến sức khoẻ”.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sản phẩm bảo vệ sức khoẻ Tigi Max Plus, số lô 0001, sản xuất ngày 20/1/2023, hạn sử dụng đến ngày 19/1/2026, số đăng ký 11127/2020, hộp 3 vỉ x10 viên, do Công ty cổ phần BIGFA sản xuất chứa 2 loại chất cấm là Sibutramine và Phenolphatalein. Hai chất cấm này có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim nên đã bị cấm lưu hành, sử dụng.

Thế nhưng, những chất cấm này vẫn len lỏi nhập lậu vào Việt Nam, được nhiều công ty đưa vào sản xuất thực phẩm giảm cân bán cho người tiêu dùng. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phát hiện rất nhiều sản phẩm hỗ trợ giảm cân chứa 2 loại chất cấm trên và đã tiến hành thu hồi, xử phạt, khuyến cáo người dân không mua, không sử dụng. Tuy nhiên, các sản phẩm này trước đó đã bán trên thị trường, nhiều người mua để giảm cân và đã gặp hoạ. Nhiều người nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương não sau khi uống cà phê giảm cân chứa chất Sibutramine.

Theo bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành thông tư về danh mục các chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Đây là công cụ hữu hiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra, giám sát và cũng là cơ sở để cơ quan tố tụng tiến hành xử lý hình sự các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm chức năng.

Hàng giả được sản xuất tinh vi

Không chỉ nhập lậu, thực phẩm chức năng còn bị làm giả ngay ở trong nước. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, các đối tượng đã sản xuất thực phẩm chức năng giả vào mặt hàng người tiêu dùng đang ưa chuộng. Điển hình là đối tượng Nguyễn Thị Thịnh (46 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thời gian kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng nên biết cách tìm nguồn hàng giả và cách tiêu thụ mặt hàng này trên thị trường. Thịnh chọn thực phẩm chức năng có giá trị là viên hoàn có tác dụng hỗ trợ chống đột quỵ do Công ty Kwangdong (Hàn Quốc) sản xuất và đã xuất khẩu một số mã hàng sang Việt Nam.

Sau đó, Thịnh đặt mua các viên hoàn trôi nổi theo từng đợt, chia nhỏ lô hàng, thuê người đóng gói với nhãn mác bắt mắt giống y chang sản phẩm của Công ty Kwangdong. Viên hoàn giả này được Thịnh tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh, thành với giá 3 triệu đồng/hộp. Tinh vi hơn, Thịnh còn sang tận trụ sở công ty ở Hàn Quốc tham quan và livestream trên các nền tảng xã hội để người tiêu dùng tin tưởng. Khi bị Công an tỉnh Thanh Hoá bắt giữ, nữ lừa đảo này đã tiêu thụ hàng nghìn hộp viên cung hoàn giả với số tiền lên tới gần 10 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay, Bộ đã cấp 6.653 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông; 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm tới Bộ Công thương để xử lý theo thẩm quyền. Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay xuất hiện nhiều hình thức mua bán thực phẩm chức năng mới như tư vấn bán hàng qua điện thoại. Tại đây, các đối tượng đã “nghiêm trọng hoá tình trạng bệnh” để đe dọa, bán hàng. Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng. Qua thanh tra phát hiện vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm được quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc, không đáp ứng đầy đủ các quy định cũng vi phạm pháp luật. Việc kiểm soát buôn bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan đến mạng xã hội, khi máy chủ đặt ở nước ngoài, việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng.        

SHARE

LEAVE A REPLY