Quan ngại về tình trạng thực phẩm bẩn sau Tết Nguyên Đán 2023

0
185
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, theo thống kê của các cơ quan chức năng, sức mua sắm của người dân cơ bản ổn định, nhiều nơi có dấu hiệu giảm, do vậy, nhiều hàng hóa còn tồn, đọng lại. Thời gian gần đây, các cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh tìm mọi cách để tiêu thụ hàng còn tồn, những sản phẩm này có dấu hiệu giảm sút về chất lượng, thậm chí là hết hạn sử dụng…

Liên tiếp ngăn chặn, xử lý các vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm “3 không”

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước liên tiếp kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm “3 không” – không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điển hình, ngày 10/2, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Bến Tre chủ trì phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố kiểm tra Chi nhánh Công ty Cổ phần Vận tải Sài Gòn tại tỉnh Bến Tre phát hiện 14 thùng rượu trắng (loại 30 lít/thùng) không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở khai nhận các hành vi vi phạm, Đội QLTT số 1 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy 420 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, ngày 6/2, Đội QLTT số 1 – Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông – Công an tỉnh phát hiện và thực hiện kiểm tra xe ô tô tải BKS 98C-163.11 đang dừng, đỗ bán hàng tại Khu vực ngã ba Cái Lân, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Tại thời điểm khám, phát hiện trên xe có tổng số 1.200 kg quả lựu tươi đã có hiện tượng héo, thối chảy nước. Hàng hóa được đóng thùng có in chữ nước ngoài. Làm việc với lực lượng chức năng, chủ hàng không trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định.

Đầu năm, câu chuyện thực phẩm bẩn …vẫn nóng
Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh trà trên địa bàn và phát hiện nhiều sản phẩm vi phạm (Ảnh: Tạp chí điện tử Quản lý thị trường)

Đặc biệt, trong 2 ngày 7 và 8/2, Đội QLTT số 6, Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh trà trên địa bàn. Tại Cửa hàng kinh doanh “Văn Hóa Trà Đạo” trên đường Lý Thường Kiệt, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang bán 30 hộp trà do nước ngoài sản xuất nhưng không có tem, nhãn phụ bằng Tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu. Tiếp đến, tại cửa hàng kinh doanh “Tuyết Trà” trên đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại, lực lượng QLTT cũng phát hiện cửa hàng đang bày bán 4 loại trà bao gói sẵn do nước ngoài sản xuất nhưng không có tem, nhãn phụ bằng Tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu. Đội QLTT số 6 đã lập biên bản về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc 2 hộ kinh doanh tiêu huỷ toàn bộ hàng hóa vi phạm không bảo đảm an toàn sử dụng.

Tương tự, tại Quảng Trị, ngày 7/2, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh khám xe ô tô tải phát hiện trên phương tiện vận chuyển 5.760 sản phẩm kẹo và 100kg thịt gà sấy khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, không có công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Lái xe khai nhận là chủ sở hữu của số thực phẩm nói trên và đang trên đường vận chuyển vào Huế để tiêu thụ. Đội trưởng Đội QLTT số 3 ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm hành chính nói trên và đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Hay tại Bắc Giang, Cục QLTT tỉnh vừa phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và tạm giữ số lượng lớn hàng hóa là thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, kiểm tra Công ty TNHH Thực phẩm MĐ tại thôn Bỉ, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, Đoàn công tác phát hiện 7.845 kg chân gà đang bảo quản trong kho lạnh; 335 kg chân gà rút xương đang bảo quản trong kho cấp đông; 320 kg chân gà rút xương đang sơ chế; 950 kg lòng lợn đông lạnh. Tổng trọng lượng khoảng 9.450 kg, ước tính trị giá khoảng trên 100.000.000 đồng. Bà Dương Thị Miền – Giám đốc Công ty không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Đội trưởng Đội QLTT số 6 đã ra Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ theo thủ tục hành chính để tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Giám sát địa bàn, ngăn ngừa các vi phạm

Nhận định về tình hình vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng tăng cao sau Tết, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT Nguyễn Đức Lê cho rằng, buôn bán, kinh doanh thực phẩm bẩn là câu chuyện muôn thuở, chịu tác động từ cả các yếu tố trong và ngoài nước.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê, nguyên nhân gia tăng các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, thị trường trong nước chịu tác động từ đại dịch Covid-19 cũng như việc nước bạn thực hiện chế độ Zezo Covid trong thời gian dài dẫn đến việc hàng hóa buôn bán qua biên giới bị hạn chế rất nhiều. Gần đây, Trung Quốc đã nới lỏng, mở cửa giao thương lại trên các cửa khẩu biên giới, do vậy, hàng hóa được lưu thông giữa hai quốc gia, và trong đó có một số mặt hàng thực phẩm bẩn do các tổ chức, cá nhân cố tình buôn bán, kinh doanh để trục lợi. “Trước đây, các tổ chức, cá nhân sử dụng đường mòn, lối mở trên biên giới phía Bắc để vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc là chưa được phép lưu hành để đưa vào tiêu thụ trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, đường mòn, lối mở bị ngăn chặn, các đối tượng chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới phía Nam, đặc biệt là phía Tây Nam và một số cửa khẩu ở miền Trung sau đó đưa ngược ra phía Bắc tiêu thụ”, Phó Cục trưởng thông tin.

Đầu năm, câu chuyện thực phẩm bẩn …vẫn nóng
Lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các cái tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn (Ảnh: Tạp chí điện tử Quản lý thị trường)

Trong khi đó, ở trong nước, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, theo thống kê của các cơ quan chức năng, sức mua sắm của người dân cơ bản ổn định, nhiều nơi có dấu hiệu giảm, do vậy, nhiều hàng hóa còn tồn, đọng lại. Thời gian gần đây, các cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh tìm mọi cách để tiêu thụ hàng hàng còn tồn, những sản phẩm này có dấu hiệu giảm sút về chất lượng, thậm chí là hết hạn sử dụng…

“Hàng hóa còn tồn lại nhiều sau dịp Tết, các tổ chức, cá nhân tìm cách đưa về các vùng sâu, vùng xa, nơi dân trí thấp, dễ dàng chấp nhận các sản phẩm kém chất lượng để tiêu thụ”, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê nêu thực tế.

Thời gian tới, để ngăn chặn, hạn chế các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh, lực lượng QLTT xác định công tác đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một mặt trận trọng tâm. “Lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các cái tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Đồng thời, kết hợp với các lực lượng khác trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn về thực phẩm”, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ nhấn mạnh.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý, lực lượng QLTT kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, xác định QLTT là lực lượng trọng tâm, đầu mối trong công tác này để phối hợp với các lực lượng chức năng khác, phát huy được sức mạnh, hiệu quả của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn.

LEAVE A REPLY